Lượt xem: 488

Nông dân Cù Lao Dung đẩy mạnh chuyển đổi sản xuất đạt hiệu quả cao

Cây mía nhiều năm trước đây vốn là cây trồng chủ lực và mang lại hiệu quả kinh tế cao với nông dân trên địa bàn huyện Cù Lao Dung. Tuy nhiên, trước sự bấp bênh của giá cả, đặc biệt là khâu tiêu thụ cực “khó” đã khiến nông dân xứ cù lao hết sức lao đao. Trong khó khăn đấy, nhiều mô hình sản xuất mới đã xuất hiện, đem lại hiệu quả kinh tế cho người nông dân cù lao.

    Vượt qua những khó khăn, trở ngại ban đầu, bằng sự nỗ lực từ chính người dân, sự quyết liệt trong chỉ đạo, định hướng của chính quyền địa phương trong việc đẩy mạnh chuyển đổi sản xuất, xây dựng các mô hình sản xuất mới, phù hợp với tiềm năng, thế mạnh của địa phương, đến nay, huyện Cù Lao Dung đã xây dựng được một nền sản xuất trên nền tảng hiện đại, hiệu quả. Mục tiêu xây dựng và phát triển nông nghiệp, nông thôn theo hướng toàn diện, hiện đại và bền vững với người dân xứ Cù Lao Dung đã bước đầu định hình, hứa hẹn thành công.

    Theo đồng chí Nguyễn Văn Đắc - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cù Lao Dung, trên cơ sở kế hoạch triển khai tái cơ cấu trên từng lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thuỷ sản, lãnh đạo huyện Cù Lao Dung đã chỉ đạo ngành nông nghiệp cụ thể hoá thành các mô hình, dự án cụ thể theo mục tiêu, định hướng của đề án tái cơ cấu nông nghiệp của huyện. Theo đó, huyện tiếp tục chuyển đổi cây mía sang cây trồng có hiệu quả, cây ăn trái phát triển theo hướng gắn với phát triển du lịch miệt vườn, du lịch về nguồn.


Đồng chí Phan Văn Sáu, Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng tham quan vườn bưởi của ông Ông Văn Hùng ở ấp Phước Hoà B. 

    Hiện nay, trên địa bàn huyện đã hình thành được các vùng sản xuất tập trung được cấp mã số vùng trồng như: Vùng trồng xoài Cát Chu; vùng trồng xoài Đài Loan tại xã An Thạnh Nhất; vùng trồng thanh nhãn tại xã An Thạnh Tây; vùng trồng nhãn Ido tại tại xã An Thạnh Nam. Huyện Cù Lao Dung cũng đang tập trung cho 5 cây trồng chủ lực gồm: Xoài, bưởi, nhãn Ido, thanh nhãn, thanh long và dừa, những loại cây trồng được định hướng phát triển gắn với liên kết đầu ra.

    Đến thăm vườn bưởi rộng trên 4 ha của “vua bưởi” xứ cù lao là ông Ông Văn Hùng ở ấp Phước Hoà B, (thị trấn Cù Lao Dung) không khỏi sự thán phục bởi sự nhanh nhạy trong việc ứng dụng các kỹ thuật trong canh tác lẫn đánh giá thị trường. Thành công lớn nhất của ông Hùng là ở việc xử lý cho cây bưởi ra hoa, kết trái quanh năm; nhất là những mùa nghịch, thời điểm giá bưởi thường cao gấp 2-3 lần so với mùa thuận do nguồn cung ít, khâu tiêu thụ luôn được đảm bảo.

    Theo ông Ông Văn Hùng thì để trồng bưởi thành công, ngoài kinh nghiệm cần phải biết ứng dụng các biện pháp kỹ thuật trong quá trình sản xuất. Cùng với đó thì cũng phải đánh giá đúng những diễn biến bất thường của thời tiết; đặc biệt là trong những năm gần đây, tình hình xâm nhập mặn ngày càng khốc liệt, nhà vườn muốn thành công thì cần “đi trước” nhưng phải chuẩn.

    Ông Hùng chia sẻ thêm, mấy mùa khô hạn tới, ngoài việc đào thêm các ao trữ nước ngọt trong vườn, cần phải trải bạt ao để tăng khả năng tích trữ nguồn nước ngọt, đảm bảo tưới tiêu trong những mùa khô hạn. Nhà vườn nên lắp đặt hệ thống tưới nước tiết kiệm để vừa dễ chăm sóc cây, vừa không lo ảnh hưởng của hạn hán và xâm nhập mặn nữa.

    Mấy năm trước đây, trong khi các nhà vườn Sóc Trăng nói riêng và Đồng bằng sông Cửu Long nói chung đau đầu với bệnh chổi rồng trên nhãn da bò thì ông Nguyễn Hồng Tiến ở xã An Thạnh Nhất đã mạnh dạn lai ghép giống thanh nhãn trên gốc nhãn da bò. Từ những gốc nhãn lai ghép đầu tiên, sau 2 năm tích cực chuyển đổi, ông Nguyễn Hồng Tiến đã cải tạo 3,5 ha vườn nhãn da bò của gia đình sang nhãn lai.

    Bằng việc áp dụng hệ thống tưới nước nhỏ giọt, vưỡn nhãn lai được trồng theo các quy chuẩn của VietGAP, cũng như cho trái quanh năm. Thu nhập từ vườn nhãn lai giữa thanh nhãn và da bò đã mang lại một cuộc sống hoàn toàn mới với gia đình ông Nguyễn Hồng Tiến. Hiện vườn nhãn lai của ông Nguyễn Hồng Tiến đã được chính quyền địa phương và ngành du lịch Sóc Trăng chọn làm vườn du lịch kiểu mẫu để phát triển du lịch cộng đồng.

    Ông Nguyễn Hồng Tiến cho biết, nếu chăm sóc tốt, bình quân 1 công (1.000m2) nhãn, mỗi năm có thể cho thu hoạch gần 1 tấn trái. Với 3,5 ha nhãn, mỗi năm gia đình có thể thu hoạch được từ 20-30 tấn trái. Với giá bán trên thị trường dao động từ 45.000-60.000 đồng/kg, mỗi năm gia đình có thể đạt được mức thu nhập trên dưới 1 tỷ đồng.


Đồng chí Phan Văn Sáu, Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng tham quan vườn nhãn lai của ông Nguyễn Hồng Tiến ở xã An Thạnh Nhất.

    Theo đồng chí Lương Minh Quyết - Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, thông tin: Qua hơn 5 năm triển khai thực hiện, đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới có thể khẳng định rằng, hầu hết các đề án, dự án đều mang lại hiệu quả rất là lớn trong việc nâng cao giá trị gia tăng, hiệu quả, tăng khả năng cạnh tranh; cải thiện đời sống của nông dân, góp phần xóa đói giảm nghèo, bảo vệ môi trường, sinh thái và bảo đảm an ninh quốc phòng. Trong đó, huyện Cù Lao Dung có rất nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển đa dạng các mô hình nông nghiệp. Vì thế, ngành nông nghiệp đang tập trung hỗ trợ huyện Cù Lao Dung chuyển đổi từ đất mía kém hiệu quả sang cây ăn trái đặc sản theo Đề án cây ăn trái đặc sản của tỉnh Sóc Trăng. Trước mắt là những diện tích cây ăn trái hiện có, cần tập trung cải tạo lại, nâng cao chất lượng để mang lại gía trị kinh tế cao. Bên cạnh đó là hướng đến các mô hình du lịch sinh thái gắn với kinh tế vườn trên địa bàn cù lao theo định hướng chung của tỉnh, để đưa xứ huyện đảo Cù Lao Dung cất cánh trong tương lai gần.

    Mới đây, Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng Phan Văn Sáu và Đoàn công tác đã có chuyến khảo sát, kiểm tra tiến độ triển khai dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ chuyển đổi sản xuất phù hợp với điều kiện sinh thái, nâng cao sinh kế, thích ứng với biển đổi khí hậu vùng Cù Lao Dung; thăm một số mô hình chuyển đổi sản xuất đạt hiệu quả cao. Lãnh đạo Tỉnh ủy Sóc Trăng đã biểu dương tinh thần dám nghĩ, dám làm, chịu khó của nông dân xứ cù lao; đánh giá cao sự nỗ lực, định hướng và chung tay cùng nhân dân trong quá trình triển khai thực hiện các chương trình, dự án từ phía chính quyền địa phương.

    Đồng chí Phan Văn Sáu cho rằng, đây là những mô hình hay, hiệu quả, phát huy được hiệu quả kinh tế cao, nhanh chóng sau khi chuyển đổi; phù hợp với chủ trương của Đảng và nhà nước trong việc áp dụng công nghệ cao, công nghệ tiên tiến vào sản xuất nhằm tạo ra những sản phẩm nông nghiệp an toàn, thích ứng với quá trình biến đổi khí hậu; đặc biệt là hướng đến mục tiêu xây dựng và phát triển nông nghiệp, nông thôn theo hướng toàn diện, hiện đại và bền vững./.

Chanh Đa



Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 48
  • Hôm nay: 201
  • Trong tuần: 70,628
  • Tất cả: 11,802,635